[Dã sử] Người ở đừng về – Chương 2

Người ở đừng về

Tác giả: Cam Thảo

Thể loại: Dã sử, cung đình, đại nam chủ

Chương 2: Thuyền con nắng tỏa

Trong phủ Thị Lang kẻ hầu người hạ đi lại tấp nập, ai nấy đều bận rộn chuẩn bị đồ đạc cho lễ bái tổ vua Hùng. Quách Hoài Văn đứng giữa sân, tỉ mẩn kiểm tra từng gánh lễ, bên cạnh là cô hầu tay bút tay sổ liến thoắng đánh dấu kiểm kê theo lệnh của chủ nhân. Bận rộn cả sáng, mãi tới giữa Ngọ mọi chuyện mới tạm đâu vào đấy. Quách Hoài Văn duỗi người, xoay xoay eo vài cái cho đỡ mỏi, cô hầu cũng rất biết ý mau mắn bưng một bát chè lên cho chủ. Quách Hoài Văn nhấp một ngụm rồi quay qua hỏi:

– Mấy cậu sáng giờ làm gì rồi?

– Bẩm bà, hồi giờ Dần cậu Tuấn dậy thắp hương cho tướng quân với phu nhân xong thì đi học rồi. Cậu Trung tối qua uống thuốc cảm nên ngủ li bì, nãy mới dậy. Tuy vẫn còn hơi sụt sịt nhưng tiếng thở không còn khò khè như mấy bữa trước nữa. Vừa hay cậu Lễ cũng tan học, vú nuôi đang chuẩn bị đồ ăn cho hai cậu ạ.

Quách Hoài Văn nghe vậy thì gật gù, đưa trả bát chè uống được non nửa cho cô hầu và dặn dò thêm:

– Tuy cậu Trung mới ốm dậy cần nghỉ ngơi thêm nhưng đừng để cậu ngủ thông đến trưa như thế. Kiểu gì cũng phải gọi dậy dùng bữa sáng xong làm gì thì làm. Sang năm cậu bắt đầu đi học rồi, cứ quen cái nếp ấy không hay.

Cô hầu “dạ” một tiếng rồi giơ hai tay kính cẩn đỡ lấy bát. Đoạn lại thấy Quách Hoài Văn ngoái đầu ngó nghiêng chái nhà bên phải, đằng đó ngoài một số thị hầu thỉnh thoảng đi ngang qua thì vắng lặng như tờ. Quách Hoài Văn không khỏi cau mày cằn nhằn với cô hầu:

– Thiệt tình không biết dạy cái gì mà ngày nào cũng quá trưa không thả người. Chẳng hiểu ông nhà cô kiếm đâu ra ông thầy này nữa. Rõ là cố ý hành hạ đứa cháu quý báu của tôi mà.

Nghe vậy cô hầu không khỏi phì cười, cô còn lạ gì cái tính giận lẫy của phu nhân nhà mình. Tuy biết thầy đồ do ngài thị lang đích thân lựa chọn chắc chắn không phải hạng tầm phào, nhưng nhìn cậu cháu yêu học hành kham khổ sao mà không xót cho được. Cũng bởi chẳng thể xộc thẳng vào lớp đòi người nên phu nhân chỉ đành đứng đây hờn mát chồng mình mà thôi.

– Thôi mà bà, nói thế tội cho ông con quá. Ông thương cậu Tuấn phải biết, người ngoài nhìn vào có khi còn tưởng cậu ấy mới là con ruột của ông với bà.

– Cô chỉ khéo bênh.

Quách Hoài Văn bĩu môi vặc lại. Cũng đâu phải cô nghi ngờ nhân phẩm của Tạ Đức, hiềm nỗi mỗi khi nghĩ đến hoàn cảnh côi cút đáng thương của hai đứa cháu cô lại chỉ muốn rút hết ruột gan ra bù đắp, không để chúng chịu bất cứ thua thiệt nào. Lại nhớ bận nhận được thư báo hung tin của Quách Tuấn, Quách Hoài Văn tưởng chừng như mặt đất dưới chân sụp đổ. Người anh trai oai phong lẫm liệt mà cô tin rằng sẽ là tấm khiên vững chắc bảo vệ mình suốt cuộc đời lại đang hấp hối trên giường bệnh, tính mạng tựa ngọn đèn cạn dầu trước gió. Quách Hoài Văn không kịp suy nghĩ gì nữa, leo thẳng lên một cỗ xe ngựa bắt gặp ven đường, thậm chí còn không buồn mang theo hành lý. Cũng may còn có Tạ Đức là người biết lo toan, sau khi hay tin còn đi tìm thầy thuốc, chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ rồi mới giục ngựa đuổi theo vợ ra bến thuyền. Nhưng cũng có ích gì đâu, còn chưa đặt chân tới Thăng Long đã hay tin Quách An Ngữ qua đời. Cô chẳng thể giúp gì cho anh mình, càng không thể cứu được người chị dâu mệnh khổ. Mẹ của Quách Tuấn sau đêm hôm đấy cứ lịm dần rồi đi luôn, chẳng kịp trăng trối điều gì. Ngán thay cái cảnh tan cửa nát nhà, pháo xuân chưa nổ mà đàn nhị đã ái oan mấy bận. Sau khi lo đủ ma chay cúng kiếng, Tạ Đức liền ngỏ ý đón anh em Quách Tuấn, Quách Trung về nhà nuôi dạy. Quách Hoài Văn nghe xong thì nước mắt lại giàn ra đầy mặt, may sao giữa lúc gia đạo khốn cùng cô vẫn còn một tấm chồng đáng để cậy nhờ.

Còn đang chìm đắm trong suy tưởng thì đằng xa bỗng vang lên tiếng nói cười rôm rả. Quách Tuấn tay ôm tập sách với thanh kiếm gỗ cùng thầy mình đi ra từ chái nhà bên phải. Đó là một người đàn ông khoảng độ năm mươi tuổi, thân hình cao lớn, nước da bánh mật, gương mặt đầy những đốm đồi mồi màu nâu sậm, trông qua có vẻ phong trần nhưng hàm râu lại được cắt tỉa gọn gàng lắm. Phần râu nhọn được chuốt tỉ mỉ bằng sáp tạo thành đường vòng cung hoàn hảo ôm sát khuôn hàm, kết hợp với bộ ria mép vuông vắn nom rất đỏm. Mái tóc cũng được chải sáp bóng loáng, búi gọn phía sau đầu, tuyệt không có cọng nào thừa ra. Ông hay vận chiếc áo sam cổ tròn bằng gấm biếc khiến nước da càng thêm đen tợn, mỗi lần nhìn vào Quách Hoài Văn đều thấy ngán ngẩm, thật không biết phải gọi là đến tuổi hồi xuân hay già không nên nết nữa.

 – Về trận Bạch Đằng có điều này con nghĩ mãi nhưng vẫn không hiểu…

Quách Tuấn cau mặt ra phần đăm chiêu. Ông thầy lấy làm tò mò bèn dừng bước hỏi han:

– Có gì không hiểu nói thầy nghe thử nào?

Quách Tuấn liền thưa:

– Bẩm thầy, con được biết Bạch Đằng là cửa sông lớn, nước chảy rất xiết. Vậy Ngô Vương đã cắm hàng loạt cọc lớn xuống lòng sông bằng cách nào?

Hiểu ra thắc mắc của cậu học trò, đôi mắt thầy đồ sáng rỡ như bắt được vàng. Ông giơ tay xoa mạnh đầu Quách Tuấn mấy cái làm tóc tai cậu rối bung lên tổ quạ, cười ha hả mà bảo:

– Hỏi rất hay! Nhưng giờ đã muộn lắm rồi, thầy trò mình còn nấn ná nữa chỉ e… – Đoạn này ông thầy cố ý nói thật to, còn đánh mắt về phía Quách Hoài Văn một cách đầy ý tứ. Quách Tuấn nhìn theo chẳng hiểu mô tê gì, chỉ thấy người cô ruột mặt đỏ lựng, phồng cả má lên. Thầy đồ cười tủm tỉm nói tiếp. – Sắp tới thầy có việc phải đi xa, chắc phải một hai tháng mới về. Hai câu hỏi này coi như bài tập, trong thời gian thầy đi vắng, hãy thử suy nghĩ xem sao nhé.

Quách Tuấn chắp tay cúi đầu, ngoan ngoãn “dạ” một tiếng, cũng không gặng hỏi việc riêng của thầy. Thấy hai thầy trò đã đi gần tới, Quách Hoài Văn mới đon đả lại đón:

– Ôi chao, xem chừng hôm nay hai thầy trò học tập cao hứng lắm, từ giờ Dần tới giờ Ngọ mà vẫn chưa hết chuyện.

Thầy đồ chép miệng một cái nhủ thầm trong dạ, Quách An Ngữ là dân võ biền, tính khí khó tránh có chút nóng nảy nhưng nhìn chung vẫn khá kiêm nhường, mà Tạ Đức thì càng khỏi phải nói, là một nhà nho mẫu mực, cử chỉ tác phong đều vô cùng khuôn thước. Thật không biết cái miệng chanh chua ưa móc mỉa này của Quách Hoài Văn là học từ đâu ra. Nghĩ thế nhưng thầy cũng không lấy làm giận, chỉ cười xòa đáp lại:

– Công tử nhà ta thông minh sáng dạ, không chỉ biết đọc sách mà còn biết suy ngẫm sâu xa. Tôi thân làm thầy sao có thể vì tiếc bữa cơm trưa mà làm lỡ dở sự học của con trẻ. Phu nhân thị lang thấy có phải không nào?

Quách Hoài Văn tức lắm nhưng không cãi lại được, chỉ đành gằn giọng đáp:

– Vâng, thầy nói phải.

Thầy đồ cười tít cả mắt nom chừng hả hê lắm, ông quay sang dặn dò Quách Tuấn thêm vài câu rồi từ biệt. Quách Hoài Văn sai cô hầu gói cho thầy ít quà bánh, còn mình thì đích thân tiễn thầy ra tận cổng. Thôi thì cũng đành, người có khó ưa cách mấy cũng là do Tạ Đức mời về, Quách Hoài Văn đương nhiên không thể cư xử qua loa lấy lệ mà làm mất mặt ông chồng.

Xong xuôi thì đã quá Ngọ, Quách Hoài Văn cho người mau chóng dọn cơm lên, hai cô cháu vừa dùng bữa vừa trò chuyện vui vẻ. Tới tối, Tạ Đức cuối cùng cũng đi làm về, trong lúc thay đồ thuận miệng hỏi vợ:

– Việc cúng lễ sao rồi em?

Quách Hoài Văn vừa giúp chồng thay xiêm áo vừa từ tốn đáp:

– Sáng nay em lên chùa Vạn Tuế dâng hương, hỏi thử thì sư thầy bảo dăm hôm nữa đều là ngày tốt, hợp việc cúng kiếng1. Đồ tế lễ em đã chuẩn bị hòm hòm rồi, còn những thứ mình dặn riêng thì nội nay mai là xong.

– Vậy thì tốt, mà có chuyện này anh muốn bàn với em. Ban sáng anh có nghe thầy Hiểu báo rằng thầy bận đi công chuyện, phải nghỉ dạy độ một hai tháng. Từng ấy thời gian mà bỏ phí thì uổng lắm, anh đang tính nhân chuyến này gửi Tuấn vào ngôi chùa anh từng tu học. Được các sư thầy trên đó chỉ điểm âu cũng tốt cho thằng bé sau này.

Quách Hoài Văn nghe đến đây liền cau có mặt mày. Nơi đó gọi là chùa thì cũng hơi miễn cưỡng, thực chất chỉ là chỗ tu tập được các sư thầy dựng tạm để dạy học cho dân nghèo và trồng cây thuốc. Khuôn viên sơ sài, lại còn nằm trên núi cao, cả tháng ngoại trừ mồng một và ngày rằm xem như đông người, còn đâu chó mèo cũng không thèm lui tới. Trời đang vào độ rét mướt, nghĩ cảnh cậu cháu áo không đủ ấm, cơm không đủ no mà phải chạy tới lui làm đủ thứ việc nặng nhọc, Quách Hoài Văn lại thấy không nỡ. Cơ mà trước đây cô từng nghe anh trai kể rằng, các sư trên đó đều là bậc đức cao vọng trọng, không chỉ thông hiểu kinh Phật mà còn giỏi y lý, ấy thế mới rèn giũa được Tạ Đức từ thằng nhóc cù bơ cù bất thành một viên thị lang tháo vát như bây giờ. Xem chừng Quách Tuấn lên đó tuy phải chịu khổ một chút nhưng chắc không thiệt đi đâu được.

Hồi lâu không thấy vợ trả lời, Tạ Đức cũng lờ mờ đoán được suy nghĩ của vợ. Ngài ho nhẹ vài tiếng rồi bảo:

– Chùa dạo này được cơi nới sửa sang nhiều rồi chứ không xập xệ như đợt năm ngoái nữa đâu, em đừng lo.

Miệng tuy khẳng định chắc nịch nhưng vừa bị vợ liếc một cái, Tạ Đức liền quay mặt sang hướng khác né liền. Quách Hoài Văn bĩu môi, cái vụ “cơi nới sửa sang” này từ ngày lấy nhau đến giờ đã được bảy tám năm, không năm nào thị lang đại nhân không ca cẩm. Còn kết quả ra sao thì quả là một lời khó nói hết.

Thở hắt ra một hơi, Quách Hoài Văn vo số quần áo đang cầm trên tay thành một đống rồi ném lên giường. Không nói không rằng đẩy cửa ra ngoài:

– Cái Hương đâu rồi, mau dọn cơm rồi mời các cậu lên dùng bữa tối.

Tạ Đức bị vợ ngó lơ thì ngơ ra một lát, sau liền vội vàng đuổi theo phía sau cô, vừa cố nắm tay vợ vừa khẩn khoản:

– Em tin anh nốt lần này đi, anh thề lần này anh nói thật mà!

Hai ngày sau, đoàn xe đẩy vội vã nối đuôi nhau từ phủ họ Tạ ra tới bến Giang Tân, đủ loại hàng hóa, thóc gạo chất đầy ba thuyền hàng nhỏ. Gia đình Tạ Đức và vài người hầu cùng lên một chiếc thuyền cỡ vừa có buồng lợp mái cong, bốn bề đều rủ mành che. Sau khi mọi người yên vị hết, đoàn thuyền bắt đầu khởi hành. Lúc này trời hẵng còn chưa sáng, không gian bị bao trùm bởi một màu xám xanh ảm đạm. Khu kẻ chợ vốn sầm uất bỗng vắng lặng đến lạ, chỉ lác đác vài cỗ thuyền buôn đang dỡ hàng bên bờ, đa phần là chở cây dó vào làng Yên Thái, tiếng thợ thuyền phu vác hò nhau vang vọng cả khúc sông. Quách Tuấn ngả người dựa vào lan can gỗ, ở phía đối diện Quách Hoài Văn đang nhắm nghiền mắt tựa đầu bên vai chồng, cậu em họ Tạ Lễ thì cuộn mình trong chăn, rúc đầu vào lòng mẹ. Quách Hoài Văn tưởng chừng như đã ngủ nhưng bàn tay vẫn đều đều vỗ nhẹ vào lưng con. Lặng ngắm khung cảnh hạnh phúc êm ấm trước mặt lại nhìn sang Quách Trung đang gối đầu trên đùi bà vú, mặt mày cau có hết trở ngang lại trở dọc, thỉnh thoảng còn khụt khịt mũi có vẻ khó thở, Quách Tuấn bất giác chạnh lòng.

Nhớ lại mấy bữa trước, không biết Tạ Lễ kiếm đâu ra được một con cào cào tết bằng lá dừa khéo lắm, vừa có đồ chơi mới liền vác sang mời Quách Trung chơi chung. Chuyện lẽ ra cũng chẳng có gì, dở ở chỗ Quách Trung mê con cào cào quá, một hai giữ rịt đòi làm của riêng. Quách Hoài Văn thấy cháu trai thích mà con mình cũng không tị nạnh nên chỉ cười xòa và tặng luôn cho cháu. Quách Tuấn đi học về biết chuyện thì không cho là phải, nhất quyết đem trả cho bằng được. Quách Trung thấy vậy vội lon ton chạy theo túm lấy vạt áo anh trai, mếu máo kêu lên:

– Cô cho em rồi mà! Anh trả lại em đây!

Quách Tuấn thấy Quách Trung nhõng nhẽo quá bèn quỳ xuống trước mặt cậu, nhẹ nhàng khuyên giải:

– Nhưng đây là đồ chơi mới của em Lễ. Làm anh trai thì phải nhường nhịn em, ai đời lại giật đồ của em mình như vậy?

Quách Trung căn bản không thèm nghe, vẫn cố rướn người để vòi lại con cào cào trong tay người đối diện.

– Em không biết đâu! Cô cho em rồi, anh trả lại cô cũng không lấy đâu!

Nhìn thái độ không biết hối lỗi của em trai, Quách Tuấn giận tím cả mặt. Cậu đứng phắt dậy tát thẳng vào mặt em trai một cái đau điếng, làm thằng bé ngã lăn ra đất. Quách Trung bị đánh cho say sẩm mặt mày, vốn định ăn vạ tiếp nhưng vừa ngước lên đã trông thấy gương mặt như hung thần ác sát, thế là im bặt. Quách Tuấn chỉ thẳng vào mặt Quách Trung nạt nộ:

– Cô và dượng tốt bụng nhận nuôi anh em ta, cho ăn cho mặc không bạc đãi bao giờ. Em Lễ lại càng biết trước biết sau, có đồ gì tốt đều chia cho anh em mình phân nửa. Ấy thế mà giờ em lại đi giành giật đồ của người ta. Những điều cha mẹ dạy em quên hết rồi phải không? Vậy nên mới thành cái thứ vô liêm sỉ như thế này!

Quách Trung bị anh trai nạt cho một tràng thì sợ mất hồn mất vía nhưng dẫu sao cũng chỉ là đứa nhóc mới lên bốn tuổi, bản thân thằng bé không thể nào hiểu nổi những gì Quách Tuấn vừa nói, càng không hiểu tại sao người anh luôn yêu thương mình hết mực lại vì một món đồ chơi mà đánh mắng mình. Mặc cho Quách Tuấn hậm hực đòi câu trả lời, cậu bé cũng chỉ biết ú a ú ớ, chẳng mấy chốc mắt đã ầng ậc nước, Quách Trung khóc toáng lên:

– Hu hu vú ơi! Anh Tuấn bắt nạt con!

Đám người hầu vốn dĩ có mặt từ lâu, cơ mà đây cũng là lần đầu tiên họ thấy Quách Tuấn nổi giận nên chỉ dám đứng nép một bên, không dám ho he gì. Nhưng tình hình hiện giờ xem chừng căng thẳng quá, không ra can thì không xong. Thế là bà vú bèn lật đật chạy lại, bà vừa trông thấy gò má đỏ tấy lên của Quách Trung thì xót hết cả ruột, vội ngồi thụp xuống ôm lấy cậu bé an ủi, sau đó quay sang Quách Tuấn nói với vẻ hờn giận:

– Lạy cậu tha cho, cậu Trung hẵng còn nhỏ dại. Cậu muốn dạy thì cũng thư thư cái đã, ai lại động tay động chân thế bao giờ? Hồi tướng quân còn sống, đến đám hầu chúng tôi cũng chưa bị đòn roi bao giờ nữa kìa.

Bà vú đây là người đã chăm sóc cho Quách Tuấn từ tấm bé. Khi hai anh em cậu được Tạ Đức cưu mang thì bà cùng vài người hầu thân tín cũng theo sang. Quách Tuấn vốn không coi bà là người ở mà luôn kính trọng và yêu mến như thể mẹ ruột. Giờ bà không hiểu khúc nôi đã ra mặt quở trách khiến Quách Tuấn cảm thấy rất oan ức nhưng cũng không dám cãi lại, chỉ đành dằn cơn giận xuống, dịu giọng giải thích:

– Đánh em là con sai nhưng mà…

Lời còn chưa nói hết đã nghe Quách Trung gân cổ lên cãi:

– Anh thích thì cứ lấy đi, mai em xin cô con khác!

Cơn giận vừa mới nguôi được một chút lại bốc lên tới đỉnh đầu, Quách Tuấn nhìn ngang nhìn dọc rồi vớ ngay lấy cây chổi đót để ở cạnh cửa, vừa sấn sổ tiến tới vừa hét lớn:

– Thân ở đậu mà còn học theo phường giá áo! Cha mẹ không dạy được em nữa thì để anh dạy!

Nhưng vừa đi mấy bước thì chị Hoa không biết từ đâu nhảy ra, ôm ghì lấy Quách Tuấn van nài:

– Tôi van cậu, cậu tha cho cậu Trung đi mà!

Nói xong thì hét lớn với hai anh hầu đứng phía sau:

– Còn ngây ra đó nữa, mau cản cậu lại nhanh lên!

Trước sức ép của ba người trưởng thành, Quách Tuấn thực sự giãy ra không nổi, chỉ đành hậm hực đưa cây chổi lại cho chị Hoa rồi lườm Quách Trung một cái sắc lẻm. Cậu em sợ rụt cà người, bám chặt lấy người bà vú không dám động đậy. Bà vú cũng chỉ biết nuốt nước bọt thầm nhủ trong lòng, còn tưởng cậu Tuấn tính tình hiền hòa dễ chịu như phu nhân, dè đâu giận lên rồi cũng dữ dằn chẳng thua gì ngài lang tướng.

Hồi lâu không thấy ai nói gì, bà vú bèn đánh bạo lên tiếng:

– Chuyện đâu còn có đó, cậu khoan hẵng nóng giận… Dẫu sao thì món đồ chơi ấy cũng là cô hai chính miệng tặng cho cậu Trung mà.

Quách Tuấn vốn định cãi lý tiếp nhưng nhìn vẻ sợ sệt rúm ró của bà vú thì lại thấy câu nỡ. Cậu thở dài một hơi, nhìn con cào cào làm bằng dừa trong tay và lẩm bẩm:

– Đều tại cái thứ này mà ra.

“Vút” một tiếng, con cào cào bị ném thẳng ra ngoài vườn. Một phần do cỏ mọc dày, một phần bởi mưa phùn ngày giá làm cản tầm nhìn nên món đồ chơi thoắt cái đã mất dạng. Quách Tuấn xoay người bỏ đi, được vài bước thì dừng lại, hắng giọng nói:

– Nếu em tự tìm được thì coi như nó là của em, anh không nói gì nữa. Nhưng nhớ kỹ, cấm được nhờ người khác giúp đỡ.

Lúc thốt ra câu này Quách Tuấn còn chắc mẩm rằng trời đang mưa lớn, với cái tính công tử bột của Quách Trung thì đảm bảo không dám ra ngoài nửa bước. Đợi khi nào trời tạnh hẳn cậu quay lại tìm rồi trả đồ cho Tạ Lễ cũng được. Nhưng ai ngờ đâu Quách Tuấn vừa đi khuất, Quách Trung liền chạy ào ra sân, còn kiên quyết không cho ai phụ giúp. Kết quả tuy cào cào đã tìm lại được nhưng Quách Trung cũng dầm mưa phát sốt. Khoảnh khắc nhìn em trai nằm mê man trên giường bệnh nhưng tay vẫn giữ chặt lấy món đồ chơi, Quách Tuấn mới nhận ra mình đã mắc phải sai lầm tai hại. Nhưng mặc cho cậu hết lời van nài được ở bên cạnh chăm nom cho Quách Trung, Tạ Đức vẫn kiên quyết phạt cậu quỳ trước bài vị cha mẹ để hối lỗi. Trước khi đi ngài còn nhắc nhở rằng nếu cậu dám lỉnh ra ngoài thì tất cả người hầu canh cửa đều bị đánh cho què giò. Thế nên Quách Tuấn chỉ còn biết ngoan ngoãn quỳ trong linh đường.

 Trời biết, đất biết, suốt đêm hôm đó cậu không tài nào chợp mắt được. Bởi mỗi khi nhắm mắt lại, gương mặt tím tái co giật trong cơn sốt rét của Quách Trung lại lập lòe xuất hiện, mà ẩn sau đó chính là hình ảnh mẹ cậu nằm lạnh ngắt trên giường. Cảm giác tội lỗi cùng sợ hãi cứ cuộn lên trong ngực khiến Quách Tuấn không thở nổi. Cả người run rẩy như phải cảm, chỉ đành bấu chặt tay lên đùi để giữ mình yên vị. Nước mắt trực trào ra lại bị cậu cố sức kiềm lại, thử hỏi kẻ thủ ác lấy tư cách gì mà khóc cho nạn nhân? Những giọt nước mắt mèo khóc chuột này rơi ở linh đường chỉ tổ làm bẩn mắt các bậc tiên tổ. Ước chừng nửa canh giờ sau, chị Hoa mới chạy lên báo lại rằng Quách Trung đã qua cơn nguy hiểm, kêu cậu không cần lo lắng nữa. Tới lúc này Quách Tuấn mới thở phào nhẹ nhõm, hai cánh tay mỏi nhừ buông thõng bên đùi. Dưới ánh nến mập mờ, mười đầu ngón tay dường như rớm máu.

Chẳng biết đã qua bao lâu, bên trong linh đường vẫn khói vương nến tỏa. Quách Tuấn quỳ trước bàn thờ, ngẩn ngơ ngắm nhìn cặp bài vị đề tên cha mẹ mình được đặt sát cạnh nhau, trong đầu cứ quẩn quanh những lời chất vấn của Tạ Đức hồi chiều.

“Con nhận mình là người đọc sách thánh hiền, biết rõ phép tắc liêm sỉ, nhưng sao lại quên mất bốn chữ khoan dung độ lượng? Tự ngẫm lại xem hôm nay con đánh mắng em là thực tâm muốn em học điều hay lẽ phải hay chỉ để thỏa mãn cái sĩ diện cao tót vời của bản thân?”

Trước giờ Quách Tuấn luôn thấy rằng tuy mình không học tài hiểu rộng nhưng cũng xem như tri thư đạt lễ, kể cả khi gia đình lâm biến cố cũng chưa từng có hành động thất thố nào. Nhưng sau chuyện hôm nay, sự ngờ vực đã bắt đầu bén rễ trong lòng cậu. Phải chăng hình tượng lễ độ khiêm nhường mà cậu luôn tạo dựng chỉ là vỏ bọc để che giấu đi thói nhỏ nhen, tị nạnh? Phải chăng cậu thực sự là một kẻ đạo đức giả, chuyên dùng nỗi tủi nhục của người yếu thế để tô vẽ cho bản thân mình? Càng suy nghĩ càng thêm rối trí, nếu như khi xưa hẳn cậu đã có thể xin cha vài lời chỉ dạy hoặc đơn giản hơn là nhào vào lòng mẹ để được an ủi vỗ về. Nhưng nay thì khác, bóng cây cao lớn giúp cậu che mưa chắn gió đã ngã đổ, chỉ còn lại hai tấm gỗ trơ trơ vô cảm, lặng thinh nhìn cậu loay hoay mò mẫm lối đi giữa cuộc đời. Đêm hẵng còn dài, ngoài trời gió bấc lộng từng cơn, luồn qua hiên nhà rồi rít lên từng tiếng nghe sao thê thiết. Mưa đã tạnh từ chiều nhưng nước đọng trên mái vẫn không ngừng nhỏ giọt, giữa lúc canh vắng âm thanh ấy càng thêm vang vọng, như muốn thay ai trút cạn những giọt sầu.

Cơn tròng trành rung lắc khi thuyền đi vào khúc quanh kéo Quách Tuấn về thực tại. Cậu đưa mắt nhìn quanh, mọi người ai nấy đều đang thiu thiu ngủ, chỉ có Tạ Đức vẫn điềm nhiên lật đọc cuốn sách cũ ố vàng. Như một nỗ lực để xua đi dòng cảm xúc rối ren, Quách Tuấn ngửa cổ hít một hơi sâu, luồng khí lạnh lập tức xộc thẳng vào làm rát buốt cả hai khoang mũi. Ngược lại với mong muốn của cậu, không khí sớm mai tựa lưỡi dao bén nhọn vô hình, tràn từ mũi xuống ngực rồi xuống bụng, mỗi nơi nó đi qua đều đau đớn như cắt xương cắt thịt. Theo phản xạ, cậu quàng tay siết chặt hai bên mình, hơi khom người xuống cố chế ngự từng trận rét buốt đang hoành hành trong cơ thể.

– Có lạnh lắm không?

Giọng nam trầm ấm vang lên, Quách Tuấn vừa ngẩng đầu liền bắt gặp Tạ Đức đang mỉm cười nhìn mình. Thấy cậu không đáp, ngài liền khua nhẹ cuốn sách trong tay, nói tiếp:

– Nãy dượng đọc tới đoạn này hay lắm, qua đây xem chung đi, dượng cháu mình cùng bàn luận coi sao. Nhưng mà khẽ khẽ thôi kẻo phiền em Văn với mấy đứa nhỏ.

Vừa nói ngài vừa vỗ nhẹ vào chỗ trống bên cạnh mình ý bảo cậu mau qua đó ngồi chung. Quách Tuấn vẫn cảm thấy có chút sượng sùng, cậu bẽn lẽn đáp:

– Con chưa học được mấy chữ, nếu nói gì sai mong dượng đừng giận nhé.

Tạ Đức lắc đầu cười xòa:

– Giận gì mà giận. Trước không có con ở đây, dượng chỉ biết luyên thuyên với em Văn thôi. Mà cô của con ấy à… thiếu điều muốn xách cổ dượng quẳng xuống sông.

Nói đoạn này ngài còn huých huých đầu về phía Quách Hoài Văn, trợn mắt thè lưỡi phụ họa làm Quách Tuấn suýt thì phì cười thành tiếng. Tới đây, cậu mới dán rón rén lại ngồi cách Tạ Đức một đoạn, nhận cuốn sách ngài đưa cho bằng hai tay. Thực ra từ bận bắt gặp cuốn sách này trong phòng Tạ Đức cậu đã muốn mượn đọc rồi, ngặt nỗi không biết mở lời sao cho phải phép. Dẫu gì cũng phận ăn nhờ ở đậu, cô dượng chịu thu nhận cho ăn uống học hành đã tốt lắm rồi, cậu cũng không dám đòi hỏi thêm nữa. Nay được dịp thì phải cố gắng đọc cho bằng hết mới được. Nghĩ vậy, Quách Tuấn liền hí hửng lật nhanh cuốn sách trong tay, vui đến mức khóe miệng cũng bất giác nhoẻn cười.

Đang chăm chú đọc sách thì từ bụng xuống chân chợt có cảm giác ấm áp mềm mại, là Tạ Đức lấy chăn của mình đắp sang cho cậu. Quách Tuấn tròn mắt ngỡ ngàng, còn chưa biết phải nói gì thì bàn tay to lớn của ngài đã nhẹ nhàng vuốt ve tóc cậu. Tạ Đức cười hiền từ mà rằng:

– Vậy nên có Tuấn với Trung sang ở chung, cả cô lẫn dượng đều vui lắm.

 Khoảnh khắc ấy, giống như nắng mai phía sau lớp mành tre đang dịu dàng thu vén nền trời, từng lời của Tạ Đức tựa làn nước ấm làm tan đi băng giá trong cõi lòng Quách Tuấn, chỉ để lại chút hơi sương đọng nơi khóe mắt.

Đoàn thuyền xuôi theo dòng Lô Giang rời khỏi địa giới Thăng Long, lòng sông dần mở rộng ra thành một vùng phù sa rộng lớn màu đỏ nâu đặc quánh. Trái ngược hẳn với vẻ lầm lì khi còn ở nội thành, nhịp nước chảy bỗng cuồn cuộn như thác lũ, những dải sóng bạc đầu bổ xô lấy nhau dâng lên trước mũi thuyền, toan nuốt chửng kẻ ngoại lai xâm lược. Rạng đông đang trải dài trên dòng sông đỏ, âm vang tiếng con nước rền rĩ đổ ập vào bãi bồi như chất chứa nỗi niềm của ngàn năm bi tráng. Quách Tuấn chưa từng ngồi thuyền ra sông lớn, cái cảm giác sóng dật thuyền nghiêng tưởng chừng lật úp thế này cũng là lần đầu tiên cậu được trải nghiệm. Chẳng mấy chốc, mặt mũi của phụ nữ và trẻ nhỏ trên thuyền đều xanh như đít nhái, không một ai dám động đậy bởi chỉ cần toan nhấc người sẽ liền bị trận rung lắc đẩy cho ngã dúi dụi. Thế nước hung tợn là vậy nhưng người lái thuyền vẫn không mảy may suy suyển, từ trong buồng nhìn ra, Quách Tuấn tưởng chừng trước mặt mình không phải là người mà là tảng đá sừng sững chắn ngang sóng dữ, uy vũ đến mức cậu chỉ biết ngây người thán phục. Nhận ra có kẻ đang trân trân nhìn mình, anh lái thuyền liền cười tươi rói để lộ ra hàm răng đen bóng.

– Này, nhóc biết lúc say sóng thì nên làm gì không?

Thấy Quách Tuấn ngơ ngác lắc đầu, anh chàng liền dậm chân xuống đáy thuyền mấy cái như lấy nhịp rồi ngửa cổ lên trời hắng giọng hát:

Chồng chài là chài vợ lưới

Vợ lưới thì con câu

Sông Ngô là Ngô bể Sở

Biết đâu đâu bến bờ

Cùng với lời hát của anh, thuyền bè chung quanh đồng loạt vang lên những tiếng dô khoan dô hậy, điệu hò hồ hởi vui tươi loáng cái đã lấn át cả sóng rền. Khoảnh khắc ấy, Quách Tuấn như lờ mờ hiểu ra được điều gì đó, dòng sông Lô muôn đời vẫn vậy, có khác chăng là thái độ của mỗi con người khi đối diện với nước xoáy thác ghềnh. Như được thôi thúc, cậu lò dò toàn đứng dậy, hai tay bấu thật chắc vào cột trụ, sau vài lần lắc lư suýt ngã thì cũng tạm coi như đứng vững. Quách Tuấn rón rén thò đầu ra ngoài mũi thuyền, gió nước lạnh lẽo lập tức và vào mặt, vẫn là cái cảm giác rét buốt ấy nhưng lại khiến người ta thấy khoan khoái như thể cơn choáng váng mới rồi chưa từng tồn tại. Ngửa cố hứng lấy những giọt nắng đầu tiên của ngày mới, Quách Tuấn bỗng thấy lòng mình nhẹ tênh mà sung sướng đến lạ, cậu quay lại vẫy tay với anh lái thuyền như thể khoe khoang thành tựu, anh chàng đáp lại cậu bằng một cái gật đầu đầy vẻ hài lòng, sau đó tiếp tục nghêu ngao điệu hò còn dang dở:

Khi nên là nên tay kiếm

Tay kiếm thì tay cờ

Không nên là nên ta cũng

Chẳng nhờ là nhờ cậy ai

Càng đến gần Chân Đăng dòng Lô Giang càng trở nên trầm mặc, như mang chút tự tình gửi tới mảnh đất cố đô. Mà có chăng cũng bởi cái niềm hoài cổ ấy mà dân trong vùng thường quen gọi con sông bằng cái tên xa xưa nhưng thân thuộc, sông Thao. Mở ra trước mắt Quách Tuấn là ngã ba Bạch Hạc, nơi từng đàn cò trắng vẫn sải cánh lượn bay từ thuở Lạc Long Quân mở đất, như thể hồn thiêng sông núi của khắp nơi trên dải đất Đại Cồ Việt đều quy tụ về đây. Chỉ thấy mặt nước Lô Giang bỗng dưng bị chẻ làm đôi, một bên vẫn đỏ lựng tựa chiếc quai thao đính trên vành nón người con gái, một bên lại chợt đổi màu biếc, như thể ai đã dùng ngọc bích lát kín lòng sông. Cùng với tiếng hô của người lái thuyền, đoàn thuyền lướt nhẹ qua lằn ranh nước uốn lượn rẽ sang vùng tả ngạn. Mái chèo chậm rãi lướt trên dải phù sa nâu đỏ, lại thêm một khúc quanh, cảnh sắc đột nhiên xanh thẳm một màu. Tựa người con xa xứ bùi ngùi trở về quê mẹ, sau cái vắt mình mềm mại ấy, dòng nước xiết rền rĩ bao ngày cuối cùng đã có được một phút dịu lòng. Khúc sông xanh chùng chình giữa đôi bờ sương phủ, lẩn khuất xa gần bóng dáng thon gầy của hàng gạo đỏ đang độ trổ bông, tựa những đốm lửa chập chờn tan dần theo khói biếc. Gió thoảng qua thổi hoa rơi lả tả, nương sóng dềnh đậu kín mạn thuyền, nắng bạc như thể chao nghiêng, loang dần trên mặt sông gương lấp lánh. Mái chèo vẫn nhịp nhàng khua nước, rẽ lối hoa tìm tới đền xưa. Đứng trên những bậc thềm trắng cổ kính dẫn vào đền Tam Giang, Quách Tuấn đưa mắt nhìn vùng tràng giang bát ngát, lòng không khỏi bồi hồi mà ngâm mấy câu thơ:

Mạn mạn xuân yên thủy thượng phiêu

Hồng hồng lưỡng ngạn mộc miên chiêu

Thanh thanh thúy lãng liên thiên bích

Hiểu hiểu thiều quang lạc nhiễm khiêu

(Khói xuân lững lờ tỏa trên sông

Hoa gạo đỏ rực nở rộ đón chào

Sóng biếc trong trẻo như nối liền trời bể

Nắng xán lạn phủ ruộm gò đồi)

– Giờ lại còn biết ngâm thơ cơ đấy.

Người còn chưa thấy bóng mà giọng đã vang khắp bến thuyền, Quách Hoài Văn bế theo Tạ Lễ ra khỏi buồng, đi tới trước mặt Quách Tuấn rồi nhéo nhẹ mũi cậu xuýt xoa:

– Ôi trời, con cháu nhà ai mà vừa xinh xắn vừa giỏi giang thế này!

Nhận ra bài thơ con cóc của mình đã bị Quách Hoài Văn nghe được, mặt Quách Tuấn lập tức đỏ như trái gấc, cậu vội vàng xua tay, ngấp ngứ phân bua:

– Không, không phải đâu…

Thấy cậu cháu trai ngượng ngùng ra mặt, Quách Hoài Văn càng hứng trí trêu đùa, cô cười tủm tỉm gạ hỏi:

– Thế không phải thơ tự làm phỏng?

Nghe vậy Quách Tuấn liền gắt lên:

– Là thơ tự làm mà.

– Trời, nói trống không với cô vậy hả Tuấn?

Quách Hoài Văn làm mặt tỉnh queo, ghẹo đến mức Quách Tuấn đỏ mặt tía tai, cứng miệng ú ớ không biết phải đối đáp ra làm sao. Chỉ đành ngồi gục xuống đất lấy tay bưng mặt trong khi người cô ruột cười ha hả hết khoe cậu cháu với mấy anh lái thuyền lại bắt chuyện với khách tham quan. Quách Tuấn thực sự không hiểu bằng cách nào mà Quách Hoài Văn lại có thể thản nhiên tán dóc với người lạ như thể bạn thân chí cốt. Thần kỳ hơn nữa là chỉ qua đôi lời tâng bốc của cô mà đã có đến tận mấy bác gái hoan hỉ nhận cậu làm con rể tương lai. Hại Quách Tuấn ngượng đến mức cúi gằm mặt xuống đất không dám ngẩng lên, chỉ hận không thể lập tức nhảy xuống sông tìm chỗ trốn. Mắt thấy Quách Tuấn sắp bị đám thiếu phụ ăn thịt đến nơi, Tạ Đức rốt cuộc cũng ra mặt giải vây, mang hết bọc đồ cúng này đến bọc đồ cúng khác dồn vào tay cậu cháu rồi kiếm cớ lẩn vào trong đền.

Đền Tam Giang sơ khởi là một đạo quán mang tên quán Thông Thánh. Tương truyền vào năm Vĩnh Huy thời Đường, đô đốc quận Giao Châu là Lý Thường Minh nhận thấy Bạch Hạc là nơi giao của ba con sông lớn, tụ hội linh khí đất trời nên quyết định xây dựng đạo quán thờ Tam Thanh. Sau khi đạo quán xây cất xong xuôi, chỉ còn bước tô tượng thì Lý Thường Minh bất chợt nằm mộng thấy hai vị tướng dáng hình ngạo nghễ, tự xưng là Thổ Lệnh và Thạch Khanh. Ông lập tức hiểu ra đây chính là thần đất của Bạch Hạc bèn mời hai vị thi thố tài năng để biết đường thờ cúng trước sau. Lời vừa dứt, Thạch Khanh liền nhảy một bước qua tới bờ sông bên kia nhưng nhìn sang thì đã thấy Thổ Lệnh đứng đó tự lúc nào. Thần bèn nhảy một bước lùi về nhưng Thổ Lệnh vẫn lại chờ sẵn trước cổng quán Thông Thánh. Dựa theo kết quả cuộc thi, Lý Thường Minh cho dựng tượng thần Thổ Lệnh tại đền Tam Giang, còn thần Thạch Khanh được thờ tại đền Chi Cát phía sau. Lại nói, cuộc thi nhảy sông của hai vị thần đã để lại dấu tích còn mãi tới tận ngày nay, đó là nửa bàn chân ở đền Tam Giang và phần gót chân ở bờ bên kia, nay được gọi là Bến Gót. Dẫu trải qua nhiều lần tàn phá và tu sửa, nhưng vùng đất nơi đền Tam Giang ngự vẫn được coi là một trong những chốn linh thiêng nhất của Chân Đăng, cả năm không kể ngày nào đều có rất nhiều người tới đây dâng hương tế lễ.

Sau khi dâng hương và dạo một vòng đền, gia đình quan thị lang lại lên thuyền sang bến Gót. Theo lịch trình, cả đoàn sẽ tạm nghỉ lại đây một đêm để lấy sức, sớm hôm sau khởi hành tới núi Nghĩa Lĩnh bằng xe ngựa. Tối ấy, ngồi ở sân trong của quán trọ ven đường, trên chiếc sạp tre cùng ngọn đèn dầu tí tách, Quách Tuấn đưa ngón tay lần trên bìa cuốn Trung Luận mà Tạ Đức cho mượn, bần thần hồi lâu lại khẽ khàng nâng sách đặt ở trước mũi, sau hít một hơi. Sách mới bao giờ cũng thơm tho cả, tựa mùi cỏ thơm sau mưa khiến tâm thần khoan khoái, chỉ muốn chúi đầu hít lấy hít để cho đầy một bụng. Còn sách cũ lại khác, những trang giấy mỏng tang như hút trọn phong vị thời gian, thành thử sách trong tay mỗi người lại có hương sắc khác nhau, khó mà đoán định. Giả như cuốn Trung Luận này, Quách Tuấn ngửi được từ đó mùi mồ hôi chua nhẹ, cả hương nước chè tươi đâu đó thoảng về. Vừa nhắm mắt lại, trong đầu liền hiện ra hình ảnh cha cậu mình mẩy ướt đầm sau buổi tập, hồ hởi cùng Tạ Đức bàn luận những điều huyền diệu trong sách mà ông mới ngộ ra. Cách đó không xa, phía dưới hiên nhà, mẹ cậu nép mình bên chiếc hỏa lò bốc khói, miệng mỉm cười tay đung đưa cây quạt.

Trời đang vào tiết tháng ba, nắng mới hửng được mấy bữa thì không khí lạnh lại tràn về, cái rét nàng Bân tái tê dễ khơi lại những vết thương lòng tưởng chừng như đã được nắng xuân chữa lành. Đặt cuốn sách nằm im trên gối, Quách Tuấn ngẩn ngơ nhìn vào khoảng không vô định, ngọn đèn dầu hẵng còn cháy rực nhưng chẳng thể khỏa lấp nổi u ám chất chồng.

– Vẫn chưa ngủ à?

Tạ Đức từ phía sau vòng tới, rồi ngồi xuống sạp tre bên cạnh Quách Tuấn, đoạn liếc nhìn cuốn Trung Luận một cái rồi bảo:

– Đêm khuya thanh cảnh đúng là lúc thích hợp cho việc luận giải kinh thư. Nhưng ban ngày mỏi mệt, tới tối còn thức khuya thì không lợi cho sức khỏe.

Quách Tuấn không đáp, cúi đầu mân mê bìa sách hồi lâu như có niềm riêng khó tỏ. Mà đối phương cũng chẳng vội nài, ngài thư thả duỗi mình một cái, tay áo tỏa ra hương hoa bưởi thanh thanh, hẳn đã dính phải khi đi ngang vườn. Thoáng chốc như dịu được gánh lòng, Quách Tuấn nhẹ nhàng lật mở trang sách đầu tiên, cậu khẽ khàng thưa chuyện:

– Con cũng đã luận giải được gì đâu, mới câu kệ đầu tiên đã không hiểu gì rồi. Ngài Long Thụ nhắc tới bát bất gồm:

“Bất sinh diệc bất diệt

Bất thường diệc bất đoạn

Bất nhất diệc bất nhị

Bất lai diệc bất xuất”

(Chẳng sanh cũng chẳng diệt

Chẳng thường cũng chẳng đoạn

Chẳng một cũng chẳng khác

Chẳng đến cũng chẳng đi)

Muốn hiểu những pháp còn lại thì phải hiểu được thế nào là bất sinh, bất diệt. Cơ mà dù đã đọc đi đọc lại phần cắt nghĩa, không hiểu sao đầu óc con vẫn cứ rối bời, mụ mị.

Tạ Đức lặng ngắm ghi chép trong sách cổ, những dòng chữ này ngài đã nghiền ngẫm nhiều năm nhưng mới hiểu được phần nổi, để giác ngộ chân lý bên trong thì hẵng còn cả một quãng đường dài phía trước. Lại nhìn sang đứa trẻ đang gục đầu suy tư bên cạnh mình, Tạ Đức như thấy lại hình ảnh của bản thân ba mươi năm về trước, một đứa trẻ mồ côi mồ cút đau đáu kiếm tìm ý nghĩa thực sự của hai lẽ sinh diệt.

Bẵng đi một lúc lâu mà chẳng ai lên tiếng, chỉ có hai chiếc bóng trầm mặc đổ trên vách tường. Gió đêm thoảng qua phả hơi sương đầy mặt, cảm giác lành lạnh bất chợt dội tới khiến con người ta rùng mình tỉnh táo. Tạ Đức như sực nhớ ra điều gì đó, thong thả tiếp lời:

– Sợ rằng dượng chưa đủ giác ngộ để nói cho con hiểu về những lẽ ấy. Nhưng dượng biết một người hẳn sẽ giúp con giải tỏa khúc mắc trong lòng. Ngày mai con có muốn theo dượng đi gặp người ấy không?

Quách Tuấn ngước mắt nhìn Tạ Đức, chỉ thấy ánh sáng ấm áp từ ngọn đèn dầu đang tỏa ra trong đôi mắt ngài. Cậu chẳng chần chừ thêm nữa mà quả quyết gật đầu.


(1) Trước khi vua Lê Thánh Tông và vua Lê Kính Tông đặt ra lệ giỗ tổ Hùng Vương vào ngày 11/3 và 12/3, người dân trong cả nước sẽ tự chọn một ngày phù hợp với bản mệnh của mình để tới lễ bái các vua Hùng, thường rơi vào các tháng đầu mùa xuân và mùa thu. Người dân thuộc xã Hy Cương, phủ Lâm Thao thì lấy ngày 11/3 kết hợp với thờ Thổ Kỳ làm lễ riêng. Phải tới năm 1917 dưới triều vua Khải Định, bộ lễ mới ban hành công văn chính thức chọn ngày 10/3 âm lịch làm lễ giỗ tố Hùng Vương và ban hành các nghi lễ cùng vật cúng tế liên quan.

♡('∀' ჱ)ლ(¯ロ¯ლ) ╮(╯_╰)╭(‾-ƪ‾) ~(‾▿‾~ )(╯‵□′)╯︵┻━┻ ಥ_ಥ ‎ (╯ಠ_ಠ)╯︵ ┻━┻ ┻━┻ ︵ヽ(`Д´)ノ︵ ┻━┻(๑¯ิε ¯ิ๑) (๑•́ ₃ •̀๑) (●′ω`●) (*゚ェ゚*)(⁄ ⁄•⁄ω⁄•⁄ ⁄)‎(づ  ̄ ³ ̄)づ~♥(╬ ̄皿 ̄)凸(灬ºωº灬)♡ヾ(灬ºωº灬)(,,•﹏•,,)